Nhà công vụ là cụm từ quen thuộc nhưng chắc hẳn không mấy ai hiểu tường tận về loại hình nhà này. Nhà công vụ là gì? Những quy định liên quan đến nhà công vụ như thế nào? Mời bạn cùng theo dõi bài viết của Nchaus.vn để biết thêm chi tiết nhé.

Nhà công vụ là gì 1

Nhà công vụ là gì?

Nhà công vụ là nhà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước phân cho những người đang làm nhiệm vụ dùng để ở hoặc tiếp khách. Mỗi nhiệm vụ hoặc chức vụ khác nhau sẽ được phân các loại nhà khác nhau đảm bảo thuận tiện cho công việc, an ninh an toàn cho người ở và thể diện của đất nước.

Nhà công vụ là khái niệm không còn xa lạ với đối chúng ta. Đây là loại nhà đặc thù thuộc sở hữu của Nhà nước dành cho những người đang làm việc công. Những quan chức, viên chức nhà nước, tổ chức chính trị xã hội khi làm việc đều cần điều kiện làm việc, sinh hoạt tương xứng. Ngoài yếu tố thuận tiện còn phải đảm bảo yếu tố an ninh vì thế nhà công vụ là một nơi lý tưởng cho những đối tượng này. 

Thời gian sử dụng nhà công vụ không phải là mãi mãi mà chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Hết thời hạn đó, nhà công vụ có thể được bán hoặc cho thuê lại với giá ưu đãi.

Đặc điểm của nhà công vụ

Nhà công vụ mang tính đặc thù nên từ thiết kế đến nội thất của loại nhà này cũng được quy định rất cụ thể. 

Về thiết kế nhà công vụ

Theo quy định tại Quyết định 03/2022/QĐ – TTg thì nhà công vụ được thiết kế:

  •  Biệt thự cao không quá 04 tầng có khuôn viên sân, vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, đảm bảo hệ thống an ninh, bảo vệ theo quy định;
  • Nhà liền kề cao không quá 04 tầng được thiết kế theo kiểu nhà liền kề có sân vườn hoặc nhà phố, xây dựng liền nhau, thông tầng cùng sử dụng chung hệ thống hạ tầng;
  •  Căn hộ chung cư được thiết kế không gian ở khép kín, có một hay nhiều không gian chức năng khác nhau như: phòng khách, các phòng ngủ, phòng ăn, bếp, khu vệ sinh, ban công hoặc lô gia;
  • Nhà tập thể cấp IV được xây dựng theo kiểu nhiều gian nhà có công trình phụ khép kín. Diện tích tối thiểu 24m2/gian nhà (không kể diện tích công trình phụ).

Về thiết bị nội thất

Nhà công vụ là gì 2

Cũng theo Quyết định 03/2022/QĐ – TTg nội thất trong nhà công vụ được quy định như sau:

  • Kinh phí cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và các trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;
  • Trang bị nội thất gắn với nhà ở công vụ bao gồm: Hệ thống máy điều hòa nhiệt độ; tủ bếp đồng bộ (bao gồm tủ bếp, chậu, vòi rửa, bếp, máy hút mùi); bình nóng lạnh; thiết bị vệ sinh đồng bộ;
  • Trang bị nội thất dời không gắn với nhà ở công vụ quy định mức kinh phí tối đa bao gồm: Bộ bàn ghế phòng khách, kệ ti vi; bộ bàn ghế phòng ăn, tủ lạnh; tủ quần áo, giường, đệm, bộ bàn ghế làm việc; máy giặt;
  • Việc lựa chọn trang thiết bị nội thất phải phù hợp với công năng, diện tích, không gian của từng phòng trong nhà ở công vụ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo quy định; đối với nhà (căn hộ) khi mua đã có trang thiết bị nội thất thì không được trang bị thay thế mà chỉ được trang bị bổ sung những trang thiết bị còn thiếu hoặc chưa đồng bộ theo thiết kế phù hợp.
  • Việc trang bị nội thất phải lập kế hoạch, dự toán ngân sách đầu tư, mua sắm trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ, thực hiện dự toán và thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật hiện hành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Ưu điểm của nhà công vụ

Sau khi biết Nhà công vụ là gì, ta có thể thấy được loại nhà này có ưu điểm: phục vụ những đối tượng đang làm việc công nên thường ở gần trụ sở làm việc, thuận tiện cho việc đi lại, an ninh, an toàn được đảm bảo.

Ngoài ra việc sử dụng nhà công vụ sẽ giúp ổn định cuộc sống cán bộ viên chức, hiệu quả làm việc cao hơn. Bộ mặt đất nước được đảm bảo dù mức thu nhập của cán bộ đó ở mức cao hay thấp.

Hạn chế của nhà công vụ

Ngoài những mặt ưu điểm như trên, nhà công vụ cũng có những hạn chế nhất định. Nhà công vụ có những quy định chặt chẽ về việc sinh hoạt, tiếp khách là bạn bè, nhận thư tín hay tài liệu…Điều này sẽ làm cuộc sống trở nên khuôn khổ và bó buộc, tự do trong giới hạn nhất định.

Những đối tượng nào được thuê nhà công vụ

Nhà công vụ là gì 3

Theo điều 32, luật Nhà ở năm 2014 các nhóm đối tượng được thuê nhà công vụ đó là:

  • Cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thuộc diện ở nhà công vụ trong thời gian đảm nhận chức vụ;
  • Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại cơ quan trung ương giữ chức vụ từ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên; được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương giữ chức vụ từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở và tương đương trở lên.
  •  Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội không thuộc diện quy định tại điểm b khoản này được điều động, luân chuyển đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, trừ đối tượng mà pháp luật quy định phải ở trong doanh trại của lực lượng vũ trang.
  • Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
  • Bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
  • Nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng theo quy định của Luật khoa học và công nghệ.

Thủ tục thuê nhà công vụ

Nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nêu trên đây thì có thể chuẩn bị hồ sơ để làm thủ tục thuê nhà công vụ. Thủ tục và trình tự các bước bao gồm:

  • Chuẩn bị hồ sơ: Đơn đề nghị thuê nhà công vụ có xác nhận của cơ quan chủ quản. Bản sao quyết định điều động, bổ nhiệm, luân chuyển công tác có xác nhận của cơ quan.
  • Nộp hồ sơ cho cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ công chức, viên chức. Cơ quan có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và gửi đơn đề nghị lên Bộ xây dựng đối với trung ương và sở xây dựng đối với địa phương để giải quyết.
  • Giải quyết hồ sơ: Thời hạn 20 ngày kể từ lúc nhận được đơn đề nghị của cơ quan chủ quản, cơ quan có trách nhiệm phải giải quyết hồ sơ: phê duyệt hoặc không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản.
  • Ký kết hợp đồng cho thuê: Cơ quan quản lý nhà công vụ có trách nhiệm ký kết hợp đồng với người yêu cầu theo quy định của pháp luật.
  • Thanh toán tiền thuê nhà: Tiền thuê nhà được thanh toán đúng và đủ số tiền cũng như thời hạn quy định trong hợp đồng.

Quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ

Nhà công vụ là gì 4

Khi thuê nhà công vụ người thuê nhà có những quyền sau:

  • Nhận bàn giao nhà và các thiết bị nội thất bên trong
  • Bản thân và gia đình có toàn quyền sử dụng nhà công vụ đó.
  • Được sửa chữa, bảo trì đồ đạc khi bị cũ hoặc hỏng hóc nếu không phải lỗi của mình gây ra.
  • Được tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê nhà nếu vẫn có đủ điều kiện như trong quy định.
  • Được sử dụng các dịch vụ tiện ích mà nhà công vụ cung cấp: bảo vệ, vệ sinh…

Bên cạnh những quyền trên, người thuê nhà công vụ cũng có những nghĩa vụ sau:

  • Sử dụng nhà ở đúng mục đích như trong hợp đồng đã quy định
  • Giữ gìn trang thiết bị nội thất bên trong căn nhà. Không tự ý cải tạo nhà công vụ mà không xin phép cơ quan quản lý.
  • Trả tiền thuê nhà theo đúng thời hạn ghi trong hợp đồng
  • Trả nhà theo quy định của nhà nước.
  • Không được cho thuê lại, cho mượn nhà công vụ.

Nhà công vụ có được mua bán không?

Nhà công vụ thuộc sở hữu của Nhà nước nên theo nguyên tắc không thể mua bán, trao đổi nhà công vụ như các loại nhà khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, nhà công vụ cũng có thể xem xét để bán. Điều này được quy định rất rõ ràng,cụ thể về loại nhà có thể bán và đối tượng có thể mua nhà công vụ.

Các loại nhà có thể bán

  • Nhà ở cũ nhà nước bố trí cho các đối tượng đủ điều kiện trước ngày 27/11/1992  (ngày ban hành Quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương).
  • Không được bán nhà trong diện quy hoạch, nhà đã có quyết định thu hồi đất, nhà gắn liền với di tích lịch sử, nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà biệt thự…

Đối tượng được mua nhà công vụ

  • Đối tượng được bố trí sử dụng nhà ở từ trước ngày 27 tháng 11 năm 1992 (ngày ban hành Quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương)

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến câu hỏi Nhà công vụ là gì? Hi vọng bạn đã tìm được những kiến thức hữu ích cho mình. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi.