Table of Contents
Người Việt chúng ta chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua về quy luật sinh lão bệnh tử và coi đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống. Tuy nhiên không phải ai cũng cắt nghĩa được rõ ràng Sinh lão bệnh tử là gì? Ý nghĩa và ứng dụng của quy luật sinh lão bệnh tử? Trong bài viết này, Nchau.vn sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên một cách chi tiết nhất.
Sinh lão bệnh tử là gì?
Sinh lão bệnh tử là một quy luật hiển nhiên diễn ra trong cuộc đời của mỗi con người và ai cũng phải trải qua. Con người sinh ra rồi lớn lên, già đi, mắc các bệnh tật, ốm đau và qua đời. Đây là quy luật ngàn đời của tạo hóa và nằm ngoài sự chi phối của con người.
Để trả lời cho câu hỏi Sinh lão bệnh tử là gì? trước hết chúng ta hãy cùng nhau ngược về lịch sử để thấy rằng triết học phương Đông đã có rất nhiều bài viết lí giải về quy luật này.
Sinh lão bệnh tử được coi là quy luật hiển nhiên của tạo hóa. Con người ai cũng phải trải qua dù có muốn hay không. Phân tích từng khái niệm ta có thể hiểu:
- Sinh: là sự bắt đầu, khởi đầu của một cuộc sống mới. Dù được ra đời theo cách này hay cách kia, địa vị này hay địa vị kia thì Sinh đều mang một ý nghĩa tốt đẹp, may mắn.
- Lão: Theo thời gian, mọi sinh vật đều già đi, thiếu sức sống. Lão đại diện cho sự già nua, lão hóa.
- Bệnh: Khi đã không còn sự tươi trẻ thì sẽ kéo theo nhiều bệnh tật, ốm đau. Chữ Bệnh ở đây là đại diện cho những điều không may mắn.
- Tử: Sau quá trình Bệnh, năng lượng đều tiêu tán hết thì sẽ đến giai đoạn Tử – Chết. Đây là đoạn kết của một vòng tròn Sinh – Tử. Có người coi điều này là không may mắn nhưng nó cũng là sự giải thoát để bắt đầu lại một chu kỳ mới.
Người xưa thường khao khát trường sinh bất tử, tránh được bước cuối cùng của vòng tròn Sinh lão bệnh tử đó là cái chết. Tuy nhiên điều này là không tưởng. Dù làm mọi cách nhưng rồi con người già đi cũng sẽ phải chết. Chúng ta không ai có thể tránh được quy luật này.
Nguồn gốc của quy luật Sinh lão bệnh tử
Chúng ta đã biết Sinh lão bệnh tử có nghĩa là gì? Vậy quy luật này xuất phát từ đâu? Câu trả lời chính xác nhất là xuất phát từ Phật giáo. Thích Ca Mâu Ni là người sáng tạo ra đạo Phật. Trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên, ngài đã giác ngộ ra bốn chân lý đó là: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế. Quy luật sinh lão bệnh tử nằm trong phần khổ đế.
Với cái nhìn thông tuệ của mình, Thích Ca Mâu Ni nhận thấy cả nhân loại luôn nằm trong vòng tròn đau khổ. Sinh là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ và chết cũng là khổ. Đây là những nỗi khổ bám lấy chúng sinh mà chúng ta không có cách nào chối bỏ. Con đường thoát khổ chỉ có Bát Chính Đạo.
Ứng dụng Sinh lão bệnh tử trong cuộc sống hằng ngày
Với cách hiểu như trên về Sinh lão bệnh tử, người ta thường muốn những chi tiết trong ngôi nhà của mình: số nhà, số phòng, bậc cầu thang… rơi vào cung sinh. Bởi cung này ứng với sự sinh sôi nảy nở, phát triển, mang ý nghĩa tốt đẹp.
Ứng dụng quy luật Sinh lão bệnh tử trong tính bậc cầu thang
Theo phong thủy, cầu thang trong gia đình mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó tượng trưng cho dòng chảy năng lượng trong ngôi nhà. Số bậc cầu thang cũng rất được chú ý khi thiết kế. Người ta thường xây dựng làm sao cho số bậc rơi vào cung Sinh. Cách tính như sau:
- Nếu số bậc chia cho 4 dư 1 là cung Sinh
- Nếu số bậc chia 4 dư 2 là cung Lão
- Số bậc chia 4 dư 3 thuộc cung Bệnh
- Số bậc chia hết cho 4 thuộc cung Tử.
Nên tránh số lượng bậc cầu thang rơi vào cung Bệnh và Tử, cung Lão tạm chấp nhận được nhưng lý tưởng nhất vẫn là cung Sinh.
Ứng dụng quy luật Sinh lão bệnh tử trong chọn tầng chung cư
Việc chọn tầng chung cư tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tài chính, nhu cầu cá nhân, sở thích của mỗi người. Tuy nhiên cũng có nhiều người chọn tầng chung cư theo quy luật Sinh lão bệnh tử.
Theo quy luật này, khách hàng có thể chọn các tầng 1, 5, 9, 13, 17, 21, 25, 29…Con số 13 đối với nhiều người là không may mắn nhưng ứng theo quy luật Sinh lão bệnh tử thì số 13 lại là cung Sinh – cung tốt. Chính vì thế, việc lựa chọn tầng chung cư cho hợp phong thủy còn tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người.
Ứng dụng quy luật Sinh lão bệnh tử trong chọn vòng tay trang sức
Nhiều người quan niệm đeo vòng tay phong thủy sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho gia chủ. Nhưng chọn thế nào để sở hữu một chiếc vòng ưng ý mà không bị “phạm”. Điều đầu tiên là số hạt vòng phải thuộc cung Sinh trong quy luật Sinh lão bệnh tử.
Số hạt vòng phải là số chia cho 4 dư 1. Theo như cách tính ở các phần trên thì số hạt vòng có thể là 5, 9, 13, 17, 21…Với chiếc vòng được lựa chọn cẩn thận, kỹ lưỡng sẽ bổ trợ phần nào cho con đường tài lộc, tình duyên của bạn.
Ứng dụng quy luật Sinh lão bệnh tử trong lễ tết, cỗ bàn
Việc bày mâm ngũ quả là thể hiện rõ nhất ứng dụng quy luật Sinh lão bệnh tử trong cuộc sống của nhân dân ta. Ông bà ta thường quan niệm ngũ quả – năm quả trong mâm lễ vật cúng ông bà tổ tiên đại diện cho ước mơ về sự sống nối tiếp sự sống, sự khởi đầu may mắn cho một năm.
Chính vì vậy, vào các dịp lễ tết, từ gia đình giàu có đến gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều cố gắng lo chu toàn một mâm ngũ quả để cầu bình an, may mắn cho năm mới.
Ngoài ra, trong các mâm cỗ của người Việt thường có 5 món hoặc 9 món. Bởi người dân quan niệm đây là những số thuộc cung Sinh, là những con số tốt đẹp.
Trên đây là những lý giải của chúng tôi về quan niệm Sinh lão bệnh tử là gì? Hi vọng bạn đã có những thông tin hữu ích cho mình. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết của Nchau.vn.