Table of Contents
Dân số gia tăng kéo theo nhu cầu về nhà ở ngày càng cao. Thị trường nhà đất cũng vì thế phát triển nhanh chóng và đa dạng phục vụ nhu cầu của nhân dân. Vậy hiện nay các loại nhà ở Việt Nam bao gồm những dòng nào? Mời các bạn theo dõi bài viết của Nchaus.vn để biết thêm chi tiết.
Tiêu chí để phân biệt các loại nhà ở Việt Nam
Nhà là công trình xây dựng dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân bao gồm cá nhân và hộ gia đình. Đây là công trình gắn liền với đất nhưng không thể đem đi trực tiếp để mua bán, trao đổi.
Thông thường, các kiểu nhà ở Việt Nam được phân loại dựa trên các yếu tố như đặc điểm, kết cấu, mục đích sử dụng…Cụ thể là những tiêu chí: Kết cấu chịu lực, thời hạn sử dụng, chất liệu xây dựng, kết cấu mái, tiện nghi sinh hoạt…
Việc phân loại nhà ở sẽ giúp quá trình thi công xây dựng được thuận lợi, đồng thời quá trình định giá, tính thuế của cơ quan nhà nước cũng được chính xác hơn.
Các loại nhà ở Việt Nam
Căn cứ Thông tư liên bộ, số 7-LB/TT Xây dựng – Tài chính – UBVGNN và Tổng cục quản lý ruộng đất ngày 30/9/1991 thì các kiểu nhà ở Việt Nam bao gồm: Biệt thự, Nhà cấp 1, Nhà cấp 2, Nhà cấp 3, Nhà cấp 4 và Nhà tạm.
Như đã nói ở trên, việc phân loại nhà ở Việt Nam dựa vào nhiều tiêu chí. Nếu dựa vào đặc điểm và mục đích sử dụng người ta có thể chia thành: nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà ở thương mại, nhà tái định cư, nhà công vụ, nhà ở xã hội.
Nếu dựa vào kết cấu và giá trị sử dụng thì có thể phân thành: Biệt thự, nhà cấp 1, nhà cấp 2, nhà cấp 3, nhà cấp 4 và nhà tạm.
Các loại nhà ở Việt Nam chia theo đặc điểm và mục đích sử dụng
Theo đặc điểm và mục đích sử dụng, các loại nhà ở Việt Nam được chia làm 6 loại. Cụ thể như sau:
Nhà ở riêng lẻ
Đây là loại nhà được xây dựng trên một diện tích đất riêng biệt. Chủ sở hữu có thể là cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức. Người sở hữu có toàn quyền xây dựng nhà trên mảnh đất của mình, thiết kế theo ý thích miễn là không phá vỡ quy hoạch chung của toàn khu.
Nhà ở riêng lẻ bao gồm: nhà độc lập, nhà liền kề, biệt thự.
Nhà chung cư
Đây là loại nhà phổ biến ở các đô thị đất chật người đông. Ưu điểm của chung cư là tiết kiệm đất, an ninh cao phù hợp với những gia đình hiện đại.
Theo quy định, nhà được gọi là chung cư khi có số tầng từ 2 trở lên. Một tầng bố trí nhiều căn hộ. Các gia đình sử dụng hạ tầng chung của cả khu chung cư để phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Chung cư cũng chia làm hai loại là chung cư để ở và chung cư để làm dịch vụ (cho thuê, kinh doanh buôn bán)
Nhà ở thương mại
Đây là loại nhà được cá nhân hay tổ chức xây dựng với mục đích bán hoặc cho thuê. Đặc điểm của loại nhà này là rất đẹp, hiện đại, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Giá cả đa dạng cho các phân khúc khách khác nhau.
Nhà công vụ
Đây là loại nhà thuộc sở hữu nhà nước. Mục đích chính là phục vụ những người làm trong cơ quan nhà nước: ở, tiếp khách hoặc một số chức năng khác.
Nhà công vụ thường được đảm bảo an ninh chặt chẽ. Mỗi chức vụ, vị trí khác nhau sẽ được phân công các loại nhà công vụ khác nhau.
Nhà tái định cư
Khi các gia đình có nhà bị nhà nước thu hồi, giải tỏa, họ sẽ được bố trí ở những chỗ ở ổn định khác. Loại nhà này gọi là nhà tái định cư.
Nhà nước phải đảm bảo nhà tái định cư an toàn, cơ sở vật chất đầy đủ, phục vụ những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân.
Nhà ở xã hội
Đây là những công trình nhà ở phúc lợi, phục vụ đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn chưa có điều kiện mua nhà.
Những người này sẽ được thuê nhà giá ưu đãi hoặc mua nhà giá rẻ hơn so với thị trường. Nhà ở xã hội cũng khá khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất thiết yếu.
Các loại nhà ở Việt Nam chia theo kết cấu và giá trị sử dụng
Theo kết cấu và giá trị sử dụng, các loại nhà ở Việt Nam chia làm 6 loại. Cụ thể như sau:
Nhà biệt thự
Biệt thự là loại nhà được xây dựng trên một không gian riêng biệt, rộng rãi. Cấu trúc ngoài nơi để ở còn có sân vườn, ao cá, hồ bơi, bãi đỗ xe…
Theo Thông tư liên bộ, số 7-LB/TT Xây dựng – Tài chính – UBVGNN và Tổng cục quản lý ruộng đất ngày 30/9/1991, nhà được coi là biệt thự phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Ngôi nhà riêng biệt, có sân vườn, hàng rào bao quanh;
- Kết cấu chịu lực khung, sàn, tường bằng bê tông cốt thép hoặc tường gạch;
- Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch;
- Mái bằng hoặc mái ngói, có hệ thống cách âm và cách nhiệt tốt;
- Vật liệu hoàn thiện (trát, lát, ốp) trong và ngoài nhà tốt;
- Tiện nghi sinh hoạt (bếp, xí, tắm, điện nước) đầy đủ tiện dùng, chất lượng tốt;
- Số tầng không hạn chế, nhưng mỗi tầng phải có ít nhất 2 phòng để ở.
Nhà cấp 1
Đây là loại nhà cao cấp chỉ đứng sau biệt thự. Nhà được xây dựng vững chắc, kiên cố với trang thiết bị hiện đại. Quy chuẩn nhà cấp 1 được quy định như sau:
- Kết cấu chịu lực bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch có niên hạn sử dụng quy định trên 80 năm
- Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch
- Mái bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói, có hệ thống cách nhiệt tốt
- Vật liệu hoàn thiện (trát, lát, ốp) trong và ngoài nhà tốt
- Tiện nghi sinh hoạt (bếp, xí, tắm, điện nước) đầy đủ, tiện lợi, không hạn chế số tầng.
Nhà cấp 2
Nhà cấp 2 cũng thuộc loại nhà cao cấp. Ngoài việc có kết cấu vững chãi, phần thiết kế của ngôi nhà cũng khá sang trọng và hiện đại.
Quy chuẩn nhà cấp 2 được quy định như sau:
- Kết cấu chịu lực bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch có niên hạn sử dụng quy định trên 70 năm;
- Bao che nhà và tường ngăn cách các phòng bằng bê tông cốt thép hoặc xây gạch;
- Mái bằng bê tông cốt thép hoặc mái ngói bằng Fibroociment;
- Vật liệu hoàn thiện trong ngoài nhà tương đối tốt;
- Tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Số tầng không hạn chế.
Nhà cấp 3
Nhà cấp 3 là một trong các loại hình nhà phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở các đô thị. Với kết cấu tương đối bền vững, thành phần chính là bê tông, cốt thép, gạch, nhà cấp 3 khá được ưa chuộng trong xây dựng.
Theo Thông tư liên bộ, số 7-LB/TT Xây dựng – Tài chính – UBVGNN và Tổng cục quản lý ruộng đất ngày 30/9/1991, nhà cấp 3 phải đáp ứng đủ những yêu cầu sau:
- Kết cấu chịu lực kết hợp giữa bê tông cốt thép và xây gạch hoặc xây gạch. Niên hạn sử dụng trên 40 năm;
- Bao che nhà và tường ngăn bằng gạch;
- Mái ngói hoặc Fibroociment;
- Vật liệu hoàn thiện bằng vật liệu phổ thông.
- Tiện nghi sinh hoạt bình thường, trang bị xí, tắm bằng vật liệu bình thường. Nhà cao tối đa là 2 tầng.
Nhà cấp 4
Đây là loại nhà tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn Việt Nam. Với ưu điểm vượt trội là giá thành rẻ, kết cấu tương đối vững chãi, nhà cấp 4 là lựa chọn hoàn hảo đối với những gia đình có điều kiện kinh tế ở mức trung bình.
Nhà cấp 4 phải có những tiêu chí sau:
- Kết cấu chịu lực bằng gạch, gỗ. Niên hạn sử dụng tối đa 30 năm;
- Tường bao che và tường ngăn bằng gạch (tường 22 hoặc 11 cm);
- Mái ngói hoặc Fibroociment;
- Vật liệu hoàn thiện chất lượng thấp;
- Tiện nghi sinh hoạt thấp.
Nhà tạm
Đúng như cái tên của mình, nhà tạm là những công trình nhà ở “tạm bợ”. Đây được coi là nơi trú chân của những người có điều kiện kinh tế khó khăn. Chính vì vậy chất lượng công trình cũng ở mức kém.
Theo quy định, Nhà tạm được định nghĩa như sau:
- Nhà tạm phần lớn được dựng đơn sơ bằng tôn, gạch hoặc gỗ để ở trong thời gian ngắn, giá trị thấp và khả năng chịu lực rất kém.
- Kết cấu chịu lực bằng gỗ, tre, vầu;
- Bao quanh toocxi, tường đất;
- Lợp lá, rạ;
- Những tiện nghi, điều kiện sinh hoạt thấp.
Trên đây là phần trình bày chi tiết của Nchaus.vn về Các loại nhà ở Việt Nam. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Hãy thường xuyên ghé trang web của chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất và hữu ích về bất động sản nhé.